Làm công việc nhân sự của một công ty nhưng chị Thu Phương (38 tuổi, Hà Nội) lại có đam mê với bánh trái. Chẳng thế mà sau khi mọi việc của một ngày kết thúc, đêm xuống hoặc cuối tuần có thời gian rảnh rỗi, bà mẹ 3 con lại vào bếp, làm đủ loại bánh thơm ngon. Riêng bánh Trung thu, chị làm bắt đầu làm quen được 2 năm, đến giờ, chị thử sức với bánh Trung thu vẽ được rất nhiều người yêu thích.
Chị Thu Phương tâm sự, cách đây 5 năm, nhờ có việc tự tay làm bánh sinh nhật cho con đã nhen nhóm đam mê này trong mình. Thấy làm bánh cũng là một điều gì đó rất hay, có sức hấp dẫn lạ kỳ nên 8X bắt đầu tìm hiểu và chính thức học về nó.
Có lẽ, hưởng gen nấu ăn ngon của mẹ và năng khiếu nghệ thuật của bố mà chị Phương đến với bánh trái không nhiều khó khăn. Những nền tảng ấy chắc chắn sẽ giúp chị thăng hoa hơn khi bắt tay vào làm mỗi chiếc bánh. Dần dần, không chỉ làm bánh để gia đình ăn, chị còn nhận được rất nhiều đơn của bạn bè, đồng nghiệp. Tuy không đặt nặng vấn đề kinh tế nhưng chính điều này lại khiến chị vui vẻ, có động lực hơn để làm bánh. Giống như những thành phẩm bánh mình làm ra được rất nhiều người yêu thích và công nhận thì còn gì hạnh phúc bằng.
Tuy công việc nhân sự tại công ty không hề rảnh rỗi nhưng việc làm bánh không ảnh hưởng đến nhiều thời gian của chị vì bà mẹ đảm đang cố gắng thực hiện đam mê của mình vào buổi đêm và những ngày nghỉ cuối tuần. Ban đầu, mới chính thức làm bánh bán, chị cũng cảm thấy có chút ái ngại, lo lắng, sợ ảnh hưởng công việc và chăm sóc con cái. Thế nhưng, rất may, ông xã chị lại ủng hộ nhiệt tình nên cuối cùng 8X đã quyết tâm để thoả mãn đam mê.
Riêng về bánh Trung thu, chị đã làm được 2 năm. Bà mẹ đảm chia sẻ, “Ban đầu mình cũng đi học lớp để nắm kỹ thuật và cách sắp xếp sau đó là tự mày mò công thức và cải tiến công thức theo khẩu vị của mình và khẩu vị theo khách hàng của mình”.
Thế rồi, cách đây 1 năm, chị vô tình thấy trên báo có xuất hiện loại bánh Trung thu vẽ. Khi ấy, loại bánh này hầu như chưa nhiều người làm và hình bánh vẽ cũng đơn giản. Thế là từ đó, chị Thu Phương cũng xây dựng ý tưởng để vẽ bánh nhưng lại chưa tìm được chất liệu nền để vẽ giúp bánh có chiều sâu hơn.
Đến khi bản thân học về hoa đậu (bắt hoa bằng đậu xanh sên) và thử với chất liệu nền sen thì chị mới bắt đầu vẽ bánh. Nhờ thế, năm nay, khi bánh Trung thu vẽ của chị ra lò, bạn bè, đồng nghiệp hết sức bất ngờ, hào hứng. Ai cũng khen ngợi hết lời rồi nói “đẹp thế này ai nỡ ăn”.
“Đương nhiên không có sản phẩm đầu tiên nào mà thành công ngay cả. Mình cũng phải mất nhiều lần điều chỉnh độ đặc lỏng của hỗn hợp cũng như nhiệt nướng mỗi lần để tránh nứt mặt nền vẽ vì chỉ cần khô quá nhiệt là lớp nền sẽ nứt ngay”, chị Thu Phương chia sẻ một chút khó khăn khi lần đầu thử sức với dòng bánh Trung thu mới.
Hiện tại, ngoài bánh Trung thu vẽ, 8X vẫn làm bánh Trung thu hoa nổi và bánh truyền thống. Chị chia sẻ, bản thân chỉ nhận số lượng hạn chế bánh vẽ và hoa nổi để tập trung vào bánh Trung thu truyền thống. Như mới đây, chị chỉ nhận làm 100 chiếc bánh Trung vẽ và từ chối 1 đơn 120 chiếc vì quá tải. Hơn nữa bà mẹ 3 con cho rằng, chất lượng bánh quan trọng hơn tất cả, kinh tế không phải là gánh nặng.
Trong khi làm đan xen các loại bánh Trung, chị Thu Phương nhận thấy, mỗi chiếc bánh đều có sự tồn tại và tạo ra dấu ấn riêng, không cái nào có thể thay thế lẫn nhau. Từng chiếc bánh đều có vẻ đặc sắc riêng, giống như mỗi cô gái có nét đẹp riêng của mình. Dù bánh hiện đại đang được nhiều người đón nhận nhưng dòng bánh truyền thống vẫn là nền tảng, là cái nôi để những loại bánh “sinh sau đẻ muộn” phát huy tiềm năng.
Dưới đây là công thức làm nền cho bánh vẽ của chị Thu Phương, các bạn có thể tham khảo:
Phần vỏ và nhân làm như công thức bánh nướng truyền thống nướng xong chín hoàn toàn thì phủ nền sen lên nướng lại cho khô ráo rồi dùng màu thực phẩm để vẽ lên.
Cách làm nền sen khá đơn giản:
Chuẩn bị:
– 200g sen tươi bỏ nhân (sen khô 100g)
– 65g dầu ăn
– 70g đường
– 07g bột mì đa dụng
– 07g bột ngô
– 40g nước
Cách làm:
– Ninh nhừ sen và xay mịn.
– Cho sen xay mịn và đường lên chảo đảo rồi cho từ từ dầu vô sên nhỏ lửa đến khi sánh lại. Hoà bột ngô và bột mì vào nước rồi đổ từ từ vào hỗn hợp sen.
– Sên đến khi nhân ráo dẻo không dính tay (không cần đứng như nhân làm bánh) thì bỏ vô túi để nguội rồi cho tủ bảo quản.
– Khi cần lấy ra quay lò vi sóng cho ấm lại (có thể cho thêm ít sữa tươi để sen mềm nhão hơn đồng thời tránh nứt khi nướng) rồi dùng bay vẽ phủ lên mặt bánh.
– Nướng 150 độ C trong 12 phút để làm lớp nền cứng lại. Sau khi nền nguội dùng màu gel thực phẩm vẽ lên. Giữa các lớp vẽ nên sấy khô mới đè lớp tiếp theo. Sau khi vẽ xong, cho vào lò sấy cho khô ráo là được.
Ngọc Lan (Ảnh NVCC) (Phụ Nữ Việt Nam) – Trích đăng từ Báo Eva.vn