Nói đến danh họa Bùi Xuân Phái, không ai không biết tới các bức họa phố cổ Hà Nội của ông được mệnh danh là Phố Phái. Thật bất ngờ khi họa sỹ Văn Dương Thành, người bạn của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái, công bố bức tranh “Trung thu đã đến” được ông vẽ cách đây gần 40 năm.
Bức họa này nằm trong bộ sưu tập của họa sỹ Văn Dương Thành cùng hàng trăm tác phẩm khác. Nó cũng nằm trong số những bức tranh được triển lãm lần đầu tiên của Bùi Xuân Phái tại Viện Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương, một viện bảo tàng quốc gia lớn của Thụy Điển, vào năm 2000.
Họa sỹ Văn Dương Thành cho biết: “Bức Trung thu đã đến của danh họa Bùi Xuân Phái cho thấy ông không chỉ vẽ phố buồn màu xám, mà vẽ một Tết Trung thu nô nức tiếng trống, tiếng kèn và các cháu rước đèn ông sao”.
Ngoài ra, trong bộ sưu tập tranh Bùi Xuân Phái của họa sỹ Văn Dương Thành còn có một số bức tranh khá độc đáo, như “Tết trồng cây của Bác Hồ và các cháu thiếu nhi”.
Theo họa sỹ Văn Dương Thành, Bùi Xuân Phái đã vẽ lên một không khí đón tết Trung thu thật vui tươi, ngộ nghĩnh và sinh động. Những bức vẽ này một lần nữa cho thấy, Bùi Xuân Phái đặc biệt có tài vẽ tranh chân dung và bố cục, cũng như khả năng vẽ đa dạng, chứ không chỉ “đóng đinh” ở Phố Phái qua bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân.
Những bức tranh này được Văn Dương Thành sưu tập từ ngôi nhà họa sỹ Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc, vẽ từ khoảng những năm 1982 cùng hàng trăm bức chân dung Văn Dương Thành do Bùi Xuân Phái vẽ. Họa sỹ Văn Dương Thành cho biết, những bức chân dung của chị đã được sưu tập ngay sau khi họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ xong và đóng khung ngay nên được bảo quản khá tốt.
Bức Trung thu đã đến vẽ nhân dịp tết Trung thu năm 1982, trước khi ông qua đời 6 năm. Bút pháp trong bức vẽ này của Bùi Xuân Phái khá lạ. Ông sử dụng nhiều hình tượng dân gian để diễn tả các em bé đang vui chơi Trung thu rộn ràng, sử dụng phong cách nghệ thuật hội họa dân gian đơn tuyến, bình đồ. Tức là vẽ tuyến màu đen ở ngoài, các em bé chân nghiêng, cổ ngửa lên nhìn trăng giống như các bức vẽ ở đình, làng, chùa, rồi tô màu bên trong.
Họa sỹ Văn Dương Thành cho biết, Bùi Xuân Phái vẽ chân nghiêng theo cách vẽ của người châu Á và Việt Nam ngày xưa. Phong cách ký họa dân gian rất hợp với đề tài này. Trong tranh, các em bé ngước lên nhìn trăng và nhìn đèn ông sao. Rước đèn, đánh trống, rước đầu sư tử khá phổ biến thời xưa.Thời đó, nhà nghèo nhất thì cũng có thể mua được 1 cái đèn ông sao cho con em mình, bên trong thắp một cây nến. Gia đình nào có điều kiện, cầu kỳ thì lấy hạt bưởi phơi khô, xâu vào dây, rồi đốt, chạy xung quanh một cái đèn cù hay đèn kéo quân…
Qua Trung thu đã đến của Bùi Xuân Phái, chúng ta có thể thấy được một cỗ tết Trung thu đơn sơ, mộc mạc nhưng vui nhộn. Bước chân của các em dường như theo nhịp trống. Các nhà nghiên cứu Thụy Điển nhận xét, cách vẽ của ông dường như thể hiện được âm thanh “tùng, tùng” của tiếng trống. Bức tranh đầy tiếng nhạc, khác hẳn với phố không một bóng người, không một nét bút gợn lên, phẳng. Ngoài ra, trong tranh có màu nâu ấm khi ông vẽ các em bé mặc áo hoa, thể hiện sự lạc quan, yêu dời.
Là người gắn bó với họa sỹ Bùi Xuân Phái và gia đình ông từ thời trẻ, họa sỹ Văn Dương Thành cho biết, gia đình họa sỹ Bùi Xuân Phái ở gần phố Hàng Mã, nên các hình ảnh hàng mã, cá chép bằng giấy hoặc giấy bóng kính khá quen thuộc với ông, đi vào tranh hết sức tự nhiên.
Khi vẽ bức tranh này, Bùi Xuân Phái đã có con cháu đề huề nhưng dường như ông vẫn vui tươi, hồ hởi đón chào Trung thu. Bùi Xuân Phái là một nghệ sỹ có thể biểu hiện vui buồn ngay trong tranh. Các nhà phê bình Thụy Điển ở Viện Bảo tàng châu Á- Thái Bình Dương cũng ngạc nhiên với bức Trung thu đã đến. Họ thấy bức tranh đầy nhạc tính, sôi động, vui tươi.
Văn Dương Thành có vinh dự là “ người mẫu” cho các bức ký họa chân dung của Bùi Xuân Phái từ năm 1972-1988. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông, chị đã vẽ những bức chân dung Bùi Xuân Phái qua ký ức như một sự tri ân và tôn kính người thầy của mình.
- LAN ANH (Báo Tiền Phong đăng năm 2019)