Chuyên mục
Trang Tin

Ký ức trung thu trong tranh của nhóm bạn trẻ TP.HCM

Trung thu vốn dĩ là một khái niệm được cảm nhận qua bầu không khí đoàn viên, bánh trung thu và đèn lồng… nhưng với một nhóm sinh viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng, trung thu hiện lên trong từng nét vẽ.

Với cảm hứng Ta đã đi qua bao nhiêu mùa Trăng trong đời, một nhóm sinh viên khoa Mĩ thuật công nghiệp, hai năm trước, chuyên ngành thiết kể đồ họa đã kể lại ký ức về những mùa trung thu bằng những nét vẽ sống động. Trong mỗi bức tranh không chỉ có màu sắc của những khối hình, mà còn là cả một bầu trời ký ức, từ tuổi thơ đến thời niên thiếu…

Từ mấy ngày trước đó, lũ nhóc trong xóm đã lục tung đám vỏ lon cũ sau bếp, chọn lấy chiếc lon nguyên vẹn nhất, mất cả buổi gò, mài, đục, gắn thêm hai thanh tre ngang ở hai đầu, một để gắn nến, một cột dây kẽm treo tòong teng trên chiếc cán tre, vậy là chiếc lồng đèn ra đời. Đêm Trung Thu, cả đám xúm xít quanh chiếc lồng đèn, ngắm nghía thứ ánh sáng huyền ảo chiếu qua những lỗ nhỏ li ti, như bầu trời đêm đầy sao, hay là bầy đom đóm tung tăng nô đùa. Chiếc lồng đèn được “kính cẩn” rước qua từng con ngõ nhỏ, những bước chân trần lạo xạo trên cỏ non, làm vài chú dế cơm giật mình quên hát. Trung Thu nơi làng quê nghèo chỉ có thế, mà không hiểu sao cứ khiến người ta da diết trong lòng.

Thứ ánh sáng từ chiếc lồng đèn tự chế ấy cứ sáng mãi trong những đêm mùa thu rất nhiều năm về sau, trong tâm hồn của những đứa trẻ không bao giờ lớn…

Năm nào gần đến Trung Thu, Ba cũng sẽ vào rẫy lựa vài cây tre vàng óng, dành cả buổi chiều hì hụi chẻ chẻ vót vót, làm thành chiếc lồng đèn ông sao xinh xắn. 

Tôi hay lẻn sang nhà bác Ba, nấp sau hè len lén nhìn Anh Phúc uốn khung tre thành những chiếc lồng đèn đủ loại, nào bươm bướm, nào cá, cả con gà trống với chiếc mào đỏ tươi nữa. Tôi thích nhìn “đoàn quân” động vật ấy rồng rắn kéo nhau qua những con đường đất tối om, dưới trời mưa bay lất phất đêm rằm.

Trẻ con thích đồ ngọt, dĩ nhiên là thế rồi. Nhưng mà, lúc tôi còn nhỏ, bánh kẹo là thức quà xa xỉ lắm. Lần nào Mẹ đi chợ về, lũ tôi cũng lân la dòm ngó chiếc làn mây, trong đó, thỉnh thoảng lắm sẽ có vài cái kẹo xanh đỏ, hay bịch chè đậu ván nước cốt dừa. Cả năm hình như chỉ có hai dịp bọn trẻ con chúng tôi được ăn bánh kẹo thoả thích, một là Tết, hai là Trung Thu.

Ký ức về đêm Trăng thu trong tôi sinh động lắm, nào là lồng đèn lung linh sắc màu, nào bánh dẻo bánh nướng thơm phức, cả chú cún con làm bằng những tép bưởi tươi rói mới hái trong vườn. Trong ký ức ấy, luôn có tiếng trống lân rộn ràng và cả nỗi hoang mang. Chẳng là, dù rất thích xem múa lân nhưng chẳng biết tại sao tôi lại sợ… ông Địa! 

Tôi mê chú Cuội, chị Hằng dữ lắm. Trẻ con mà, có đứa nào không thế. Đêm Trung Thu nào tôi cũng ăn cơm thật sớm, tranh thủ chạy vèo ra sân hợp tác xã, lót dép ngồi ngay vị trí trung tâm, sát sân khấu nhất. Chị Hằng luôn thật đẹp trong chiếc váy dài thướt tha, bên cạnh là chú Cuội tinh nghịch, pha đủ trò khiến cả đám cười tít mắt. 

Rước đèn dưới mưa thôi thì lắm gian truân. Đứa nào có lồng đèn bằng ống lon thì đỡ hơn chút xíu, chỉ cần khum bàn tay che cho mưa khỏi lọt vào làm tắt nến, nhưng cũng chỉ được một lúc, nóng quá lại bỏ tay ra… vậy mà vui…

Năm 2018, nhóm Old Day – tác giả của bộ ảnh Trung Thu cũng đã theo chân Đoàn thanh niên Đài Truyền hình TP.HCM về với vùng biên giới ở Tây Ninh, mang thông điệp “vẽ để hiểu chính mình hơn” đến các em học sinh tiểu học trong mùa Trăng rằm.

  • HTV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *