Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em – những chủ nhân nhỏ tuổi của đất nước:
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng bác Hồ Chí Minh…”
Những lời đó Bác viết ra từ đáy lòng mình và mỗi chúng ta từng ghi nhớ. Nhân dịp tết Trung thu năm nay chúng ta đọc lại những bài thơ Trung thu của Bác viết cho thiếu nhi mới thấy rõ “muôn vàn tình thương yêu” của Bác Hồ dành cho các cháu.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, đất nước ta phải chịu cảnh lầm than nô lệ, trẻ em lúc đó:
“Học hành, giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ, lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”
(Kêu gọi thiếu thi – 1941)
Vì thế, tuy Tết Trung thu đã có từ lâu, nhưng chỉ sau khi cách mạng tháng Tám thành công, đất nước được tự do độc lập, thì Trung thu mới thực sự trở thành tết của thiếu nhi nước ta. Từ đó dù ở núi rừng Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến, nhưng Trung thu nào Bác cũng có thư gửi cho các cháu.
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”
(Thư Trung thu – 1951)
Tình cảm trìu mến đó cũng là niềm mong mỏi của Bác đối với lớp mầm non tương lai của đất nước:
“Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến
Để gìn giữ hoà bình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”
(Thư Trung thu – 1952)
Trung thu 1953 Bác làm một bài thơ gửi cho các cháu. Cả bài thơ làm theo hai thể loại là bốn chữ và sáu – tám đều mang dáng dấp của những câu tục ngữ, ca dao, khiến cho các em dễ nhớ, dễ thuộc. Những vần thơ rất vui tươi nhưng thể hiện được cái tâm lớn lao của Người:
“Chín Tết Trung thu
Tám năm kháng chiến
Các cháu khôn lớn
Bác rất vui lòng
Thu này Bác gửi thơ chung
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa
Thu này hơn những Thu qua
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.”
Là thơ Trung thu gửi cho các cháu, nhưng Bác cũng bàn đến việc nước, việc cách mạng trong thời kỳ đó. Điều đó cho thấy Bác rất coi trọng vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
“Phát động nông dân
Cải cách ruộng đất
Dân đỡ chật vật
Hăng hái tăng gia
Xóm gần cho đến làng xa
No cơm ấm áo, theo đà tiến lên.
Chỉnh huấn, chỉnh quân
Bộ đội cố gắng
Quyết chiến quyết thắng
Diệt giặc lập công.”
Phần kết của bài thơ như vút lên với giai điệu chiến thắng:
“Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với Thu này vui hơn.“
Lời tiên đoán của Bác đã trở thành sự thật: Ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Đây là lần đầu tiên các cháu thiếu nhi được đón Tết Trung thu hoà bình, nhưng ở miền Nam bọn can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai cố tình chia cắt đất nước, nên trong thư Trung thu 1954 Bác viết:
“Đến ngày Nam Bắc một nhà
Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng.”
Ngày nay thiếu nhi được sống trong hoà bình, được tự do vui chơi và học hành, được Đảng, Nhà nước và toàn dân chăm lo giáo dục bảo vệ. Mỗi độ Thu về các em lại háo hức đón Tết Trung thu và đọc thơ Bác. Những lời thơ của Bác viết cho lứa tuổi măng non từ giữa thế kỷ trước vẫn còn đầy bút pháp nghệ thuật của cách nhìn vừa mang tính nhân văn, vừa mang tầm chiến lược:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”
- Báo Quãng Ngãi