Đời người ai cũng có tuổi thơ, ai cũng trải qua những đêm rằm Trung thu đầy ắp kỷ niệm. Mỗi người khi nhớ về những kỷ niệm khác nhau nhưng có lẽ trong ký ức đó chắc chắn sẽ không bao giờ quên những đêm hội trung thu rước đèn với mâm cỗ đêm rằm…
Trung thu trong ký ức
Trung thu, trăng dát vàng khắp làng mạc, phố phường… Những đêm Trung thu tưng bừng tiếng trống, rộn rã tiếng cười luôn là những “đêm hội” được các em chờ đợi. Không giống với những lễ hội khác, Trung thu có một nét đặc thù riêng ở màu sắc, không khí và những “phụ kiện” trang trí riêng biệt.
Cả tháng trời trước đêm rằm, Trung thu đã là “từ khóa” được nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện của những đứa trẻ. Hầu như mỗi đứa trẻ đều được cha mẹ mua hoặc làm cho một chiếc đèn, tùy theo sự khéo tay của từng người. Có những chiếc đèn hình con tôm, con thỏ với đầy đủ chi tiết hay đơn giản hơn là đèn con cá, đèn ông sao, thậm chí đơn giản hơn nữa là những chiếc đèn làm bằng vỏ hộp sữa, vỏ trái bưởi… Nhưng sang trọng nhất vẫn là chiếc đèn kéo quân. Dưới ánh trăng vàng, những khuôn mặt hân hoan, rạng rỡ bên ánh nến lung linh, rước đèn trong nhịp trống tùng rinh rộn rã,… đó là những dấu ấn không thể quên trong ký ức tuổi thơ của mỗi người.
Mỗi đêm rằm tháng Tám, ngoài những thứ đồ chơi, các em nhỏ luôn háo hức chờ đợi mâm cỗ trông trăng và giây phút phá cỗ. Trên những khuôn mặt trẻ thơ, hồn nhiên lộ rõ niềm hạnh phúc tràn đầy.
Mâm cỗ đêm rằm xưa đơn giản lắm, chỉ quả bưởi, quả hồng, quả thị, quả na hay bẹ chuối, củ khoai trồng được, mỗi nhà góp một chút nhưng sao mâm cỗ năm nào cũng đầy và bao giờ cũng được bày rất đẹp làm những đứa trẻ con ngây thơ cứ hếch mắt lên nhìn, ngạc nhiên.
Một chú chó xù làm bằng tép bưởi được gắn hai hạt đậu đen là mắt; những chú bò là những quả chuối lại còn có gắn chân; lạ nhất vẫn là những quả lê lại biến được thành đàn thiên nga đang nô đùa… xung quanh còn có nhiều hoa quả, đặc biệt là những quả hồng chín mọng và cả những chiếc bánh dẻo bánh nướng có hình lợn mẹ với đàn lợn con múp míp, hoặc hình cá chép càng làm cho mâm cỗ trở nên hấp dẫn.
Trẻ con đeo những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, gõ trống rước đèn trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, tròn vành vạnh tỏa sáng giữa bầu trời chính là giây phút phá cỗ, trẻ em được thỏa thích vui chơi, vừa ngắm trăng xem múa lân, múa sư tử, vừa thưởng thức các loại hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo… Đêm hội trung thu cứ thế rộn rã cho đến khuya.
Trong đêm hội tuổi thơ ấy, các em được thưởng trăng, chơi trò chơi, rước đèn và phá cỗ. Những cái Tết Trung thu giản dị mà đáng nhớ ấy không thể nào phai mờ trong kí ức mỗi người. Tuổi thơ lớn lên, mỗi năm đến hẹn, rằm tháng tám lại tưng bừng náo nức tiếng hát, tiếng trống rinh tùng rinh, theo chúng ta đi suốt cuộc đời.
Trung thu bây giờ thừa mà thiếu
Xưa, mỗi dịp Tết Trung thu người lớn lại rộn ràng gom tụ nhau lại làm nên những chiếc kiệu, những chiếc đèn ông sao, rồi thì mua kẹo bánh… Tất cả là để cho lũ trẻ phá cỗ trông trăng. Nay, người lớn vẫn hối hả, bận rộn để chuẩn bị cho ngày Trung thu, nhưng đôi khi không phải cho lũ trẻ…
Vẫn “từ khóa” ấy trước cả tháng trời, nhiều người đã phải tính toán lên danh sách các sếp, đối tác để chọn “quà” sao cho phù hợp. Mà quà thì đâu chỉ là bánh trung thu, đồ chơi cho trẻ con, giờ người ta tính quà bằng phong bì, bằng rượu ngoại. Tất cả là để “ghi điểm” trong mắt người được biếu, tặng.
Rồi đến việc tổ chức Trung thu. Trẻ con thành phố giờ có biết bao nhiêu hoạt động Trung thu, có khi “chạy sô” không hết. Trung thu ở trường, ở khu phố, ở cơ quan bố, cơ quan mẹ, ở các điểm vui chơi…
Thế nhưng nhiều người thở dài, Trung thu bây giờ thừa mà thiếu! Bởi ở đâu cũng có những hoạt động na ná nhau, năm nào cũng mấy tiết mục múa hát, rồi thì một vài diễn viên hài hay mấy màn xiếc thú lặp đi lặp lại, xong thì phát bánh, phát kẹo cho trẻ… Nó nặng về hình thức, về cái sự “cho có” của người lớn mà thiếu những thứ nguyên sơ nhất như được bày cỗ, phá cỗ, trông trăng, được rước đèn, xem múa lân, sư tử…
“Trả lại” Tết Trung thu cho trẻ thơ
Theo nhịp sống xã hội đang ngày càng nhanh, càng hiện đại, rằm Trung thu cho con trẻ dường như cũng đang mất dần vẻ hồn nhiên, thơ ngây. Không còn những vẻ mặt háo hức, khát khao mong đợi! Phải chăng Tết Trung thu của con trẻ đang trở thành Tết của người lớn, biến miếng bánh, trái hồng của tuổi thơ thành những món quà biếu xén, chạy chọt, đền ơn…
Trung thu bây giờ, cái gì cũng có. Nhưng, cái “thiếu” lớn nhất chính là vai trò của người lớn trong việc giáo dục, định hướng nhận thức cho con trẻ. Nếu không có người lớn chỉ dạy, làm sao các em biết được ý nghĩa của Tết Trung thu, của chiếc đèn ông sao, đèn cá chép hay ông tiến sỹ giấy. Ngay cả việc bày biện mâm cỗ với bánh nướng, bánh dẻo, với các thứ hoa quả được sắp đặt khéo léo cũng chính là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục cho các em một cách tinh tế. Và chính việc được tìm hiểu những món đồ chơi truyền thống giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa là cơ hội tốt nhất để các em được học hỏi, vui chơi, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng tới những ước vọng tương lai.
Đã đến lúc chính người lớn phải trả lại Trung thu cho trẻ nhỏ. Hãy để cho con trẻ được hòa mình trong đêm hội tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp, vẹn tròn như những tấm bánh truyền thống mỗi dịp Trung thu.
Tác giả: Nguyên Hà – (đăng trên Báo điện tử Tổ Quốc ngày 27/09/2017)