Mẹ nói Trung thu quan trọng lắm, không đơn thuần chỉ là rước đèn, bày mâm cỗ mà còn là dịp cả gia đình được quây quần bên nhau, hỏi han, chuyện trò…
“Sao Trung thu là Tết đoàn viên hả mẹ?”
“Vì Trung thu đến, con sẽ về bên mẹ, bên ba”.
“Con đi đâu mà về hả mẹ?”
Bất giác, tiếng kèn xe hối thúc vang lên, tôi nổ máy chạy đi mà trong lòng bồi hồi một nỗi niềm khó tả. Bên vệ đường kia, những quầy hàng bày bán bánh Trung thu vẫn rôm rả chào khách từ cả tháng nay, vậy mà đến giờ tôi mới chợt nhận ra Trung thu đang đến gần.
Nhớ ngày còn bé, cứ mỗi dịp trăng tròn tháng Tám, tôi lại được ba chở đi khắp các cửa hàng lồng đèn dưới quê, chọn tới chọn lui chiếc lồng đèn chạy pin đẹp nhất. Thích đến nỗi, lúc nào cũng giữ khư khư bên mình, lâu lâu lại mở công tắc cho nó phát nhạc kêu vang vang, đợi ba nhăn nhó thì cười hì hì tắt vội. Đêm trăng tròn vành vạnh, tôi cùng mấy đứa nhỏ gần nhà rủ nhau rước đèn, bày mâm cỗ, hát hò tưng bừng cả xóm. Còn ba và mẹ thì đưa ông bà sang, cả nhà cùng ngồi ăn bánh Trung thu, uống trà, ngắm trăng.
Lớn hơn một tí, tôi được ba cho phép chơi đèn cầy. Ba chuốt tre, làm cho tôi cái lồng đèn ông sao mà sau khi hoàn thành, tôi thán phục ba hết biết. Cái lồng đèn ông sao tuy hơi nhỏ nhưng vẫn có chỗ cắm đèn cầy, ba còn dặn phải đặt đèn cầy cho chắc chắn, không nó ngã là cháy hết công của ba. Còn mẹ thì cứ lo lắng sợ tôi chơi lửa sẽ bỏng, mỗi lần thấy tôi quẹt lửa lại thấp thỏm nhìn theo. Vẫn như năm trước, ông bà sang, trên bàn đã dọn sẵn nào bánh nào trà thơm phức. Tôi loay hoay với cái quẹt ga, quẹt đến chai tay mà chẳng có được tí lửa nào, vậy mà khi ba ra giúp, bật một phát thì cháy ngay. Tôi chơi với lồng đèn mới, mấy đứa nhỏ vẫn chơi lồng đèn chạy pin có nhạc vui tai, bọn chúng cũng tò mò về cây đèn cầy, lồng đèn ông sao của tôi lắm. Chơi được không lâu thì tôi chạy về nhà, vừa khóc vừa giơ cái lồng đèn cháy rụi ra với ba. Ba xoa đầu tôi bảo: “Hết Trung thu năm nay rồi nhé!”.
Hết năm này lại đến năm khác, trăng tròn rồi khuyết biết bao lần. Tôi vẫn nhớ rõ năm mình học lớp 5, Trung thu có gì đó thật thiếu vắng. Ông tôi mất, sức khỏe bà cũng yếu, cứ ra vô viện mãi. Ba tôi bắt đầu có những chuyến công tác xa nhà, còn mẹ thì tất bật lo cho bà, cho ba, cho tôi đến không đủ thời gian mà nghỉ. Năm đó, tôi không có lồng đèn ông sao, không có đèn cầy, nhà tôi không có bánh Trung thu, cũng chẳng có trà. Năm đó, lần đầu tiên tôi lớn tiếng với ba trong điện thoại, giận dỗi bỏ vào phòng, còn mẹ bên ngoài bắt đầu khóc.
Rồi đến những năm cấp hai, thói quen ăn Tết Trung thu của gia đình tôi dần biến mất vì nhiều thứ. Bà tôi cũng đi theo ông, ba thì càng ngày càng bận, mẹ có thêm em bé, tôi thấy mình bắt đầu lạc lõng. Có nhiều lúc, tôi ghét Trung thu vô cùng và nhiều năm sau đó, tôi từ chối đi chơi tối trăng tròn với bạn bè cùng lớp. Bánh Trung thu nhâm nhi với trà hiển nhiên đã không còn từ nhiều năm trước trong gia đình tôi. Tôi quên bẵng dáng mẹ pha trà, cắt bánh, quên mất những giọt mồ hôi lăn từ trán ba xuống cằm khi làm đèn lồng cho tôi.
Những ngày tháng vui vẻ đêm Trung thu đang mờ dần trong ký ức…
Tôi – 16 tuổi – bắt đầu biết khóc vì những mẫu quảng cáo dịp Trung thu trên truyền hình, đa phần họ luôn nhắc nhở về cái gọi “đoàn viên”. Tôi nhớ ngày còn bé, có lần cũng hỏi mẹ về chuyện này nhưng chưa đủ sâu sắc để hiểu. Trải qua ngần ấy năm cùng biết bao thay đổi, hóa ra nó cũng đơn giản thôi. Trung thu vốn dĩ là để mọi người trở về nhà sau nhiều năm bôn ba xa xứ. Vậy mà những năm đó, ba tôi không bận trực thì cũng tăng ca, mẹ tôi không cơm nước thì cũng vào viện, cả nhà lâu lắm rồi có được đoàn tụ vào ngày này đâu chứ.
Đã vậy, khi tôi vào Đại học, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn, mà bản thân tôi cũng chẳng thiết tha gì về ngày này nữa. Nhưng vừa nãy, khi dừng chân chờ đèn đỏ, có một điều gì đó nán lại trong tôi, làm dậy lên rất nhiều suy nghĩ.
Mẹ tôi đã trả lời vậy đấy, mẹ còn nói Trung thu quan trọng lắm, nó không những là một ngày Tết mà còn là Tết Đoàn Viên. Lớn rồi tôi mới thấu thế nào là ý nghĩa to lớn của gia đình, mới hiểu trăng tròn tháng Tám không đơn thuần là rước đèn, bày mâm cỗ hay ăn bánh uống trà mà quan trọng là cả gia đình được quây quần bên nhau, hỏi han, chuyện trò, nhìn các con, các cháu mình khôn lớn.
Đã có những mùa Trung thu rất khác, nhưng chưa bao giờ là muộn để quay lại những ngày đầu. Tôi mở điện thoại gọi cho mẹ, cảm giác mẹ đang rưng rưng ở đầu dây bên kia, rõ ràng mẹ đã chờ điều này lâu lắm rồi. Tôi lại gọi cho ba, cảm giác ba thật sự đang tự hào lắm, như chỉ cần chờ tôi về thì ba sẵn sàng bỏ hết công việc dở dang. Tôi lật đật chạy ra quầy bánh Trung thu, chọn vài loại bánh ngon nhất, rồi lại chạy đến cửa hàng lồng đèn, mua một cái cho nhóc em. Lúc này đây, tôi thấy lòng mình nhẹ tênh, có vẻ biết bao muộn phiền vừa được trút bỏ.
Trung thu chỉ để về nhà thôi. Trung thu là phải có gia đình.
“…khi trăng tháng Tám bắt đầu tròn, con từ hành trình của mình trở về mái ấm có mẹ, có ba, rồi cả nhà ta sẽ cùng chơi lồng đèn. Ở bên cạnh nhau mới là Tết Trung thu con ạ!”.
- Tử An (VTC)